Giữa rừng già âm u, nhóm tiều phu ngồi quanh đống lửa được nhóm từ cây rừng hoai mục. Sau khoảng mươi phút chờ đợi, một người trong họ gắp chiếc ống lồ ô dài hơn 1m đổ ra chiếc tô được vạt từ quả bầu khô. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mục kích trọn vẹn cảnh thợ sơn tràng làm bếp thủ và thưởng thức món canh đại ngàn ít người biết đến với thành phần chính là lá bép, loài rau rừng vốn là món khoái khẩu của loài tê giác. ==>> Xem thêm Gỏi măng cụt - Đặc sản miệt vườn Thuận An. Canh ngon nhờ lá bép Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương Đó là nỗi luyến lưu của người miền xuôi, còn với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, canh thụt deo dẻo với nhiều vị đắng, cay, ngọt, bùi, béo… mới là nỗi nhớ da diết khi phải xa rừng già. "Cơm lam, thịt gà nướng, canh đọt mây, cá suối nấu măng le… ngon nhưng không phải là dấu ấn buôn làng.
rau bẹp
Món truyền thống gắn bó với đồng bào từ muôn đời nay, trong cảnh khốn cùng hay những lúc lúa gạo đầy bồ vẫn là canh ống thụt". Tại sóc Bom Bo (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), trong nhà truyền thống nằm giữa trung tâm xã, già làng Điểu Len, một trong những người con buôn làng ưu tú góp phần làm nên sức mạnh Bom Bo trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã rất vui khi nghe chúng tôi hỏi thăm về món "canh đồng bào". Già nói, tùy dân tộc mà có nơi gọi là canh ống thụt hay canh bồi. Tuy có khác nhau về tên gọi nhưng điểm chung của món canh đại ngàn này là được nấu trong ống lồ ô bằng các loại lá rừng như cà trắng, bồ ngót, dây lạc liên, măng rừng, đọt mây, đọt đác, trái cà, củ khoai và con tôm cá bắt ở suối. Tất nhiên không thể thiếu lá bép. Điểu Sim, thợ sơn tràng lúc đãi chúng tôi bữa canh ống thụt khẳng định, món chủ lực của canh bồi là lá bép (có nơi gọi lá nhíp), một loại lá rừng đọt non có màu đo đỏ, dưới cuống lá màu xanh, khi chín có vị dẻo, ngọt và bùi. Tại khu vực tái định cư thuộc địa phận thôn K'lo - K'ích, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, anh K'ích, người Lạch, Trưởng thôn, bộc bạch: "Bây giờ ở nhà tường kiên cố, đã biết nuôi con heo, con trâu, biết trồng cái rau nhưng mình và dân làng vẫn vào rừng cải thiện thôi". K'ích giải thích: "Không phải phá rừng đâu. Mình hái cái lá bép thôi. Ống canh bồi mà thiếu nó giảm ngon một nửa đấy". Muốn hái rau phải theo dấu chân tê giác
Muốn hái rau phải theo dấu chân tê giác
Nói về canh ống thụt, Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Thành Đức (Hội Dân tộc học) cho biết, các tộc người Stiêng, Mạ, Chơ Ro, Ba Na, Gia Rai, M'nông… là những tộc người bản địa có mặt ở Tây Nguyên từ rất sớm. Cuộc sống của họ không tách khỏi những con suối và núi rừng. "Ở nơi ngàn xanh, trừ những lúc săn bắt được thú rừng, hằng ngày đồng bào ăn cơm gạo tẻ hoặc canh bồi được nấu bằng ống lồ ô già tuổi. Đấy là loại canh được nấu với nhiều loại rau rừng, cá suối, bột bắp với lá bép giữ dư vị chủ đạo. Không chỉ thơm ngon, loại lá rừng này cung cấp nhiều năng lượng, giúp hồi sức rất nhanh". Lá bép nấu canh ngon vô cùng nhưng không phải dễ kiếm. Như già làng Len và Trưởng thôn K'ích, già làng Điểu Bớt ở thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, bật mí: "Tê giác rất thích ăn lá bép. Đi rừng mà thấy bóng tê giác là biết có lá bép đâu đây. Hồi cái rừng còn rậm, bóng cây còn nhiều, tau đi rừng gặp tê giác nhiều lắm. Gặp nó phải tìm chỗ kín nấp. Nó tới gần, tau phải nín thở vì sợ nó húc". Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin rằng, do tê giác ăn các loại lá rừng chứa dược tính, đặc biệt là đọt mây và lá bép nên nếu đi rừng gặp trúng bãi phân tê giác, thợ sơn tràng sẽ không bỏ lỡ dịp may hốt về ngâm rượu để dành tăng bản lĩnh đàn ông. Già Bớt tiếp tục mạch chuyện: "Gặp tê giác rồi chỉ việc theo dấu chân của nó sẽ thấy lá bép thôi. Cái lá bép ngon nhưng mình không dám tranh ăn với tê giác đâu. Nó đi rồi mình mới dám hái". Già cười: "Cũng vì đặc tính này mà đồng bào còn gọi lá bép là lá tê giác". Tuần trước, trong chuyến điền dã tại Khu du lịch Madagui (Lâm Đồng), chúng tôi có dịp thưởng thức món lá bép xào tỏi. Trong đời, tôi chưa từng ăn món lá rừng nào có vị bùi, dẻo và ngọt đến thế, ngọt đến độ anh bếp trưởng nhà hàng phải lên tiếng đính chính: "Đó là vị ngọt tự nhiên của lá. Không có chút bột ngọt hay hạt bột nêm nào". Nghe anh giải thích mà không khỏi khâm phục con vật có cái sừng được nhiều người săn lùng đúng là rất "tinh đời" khi "chấm" lá bép làm món ăn chủ lực. Còn chút gì để nhớ? Từ khoảng đầu thế kỷ XIX trở về trước, như nhiều tỉnh thuộc Tây Nguyên, vùng cư trú của người Stiêng ở Bình Phước tứ bề là rừng nguyên sinh bạt ngàn. "Hồi đó cây rừng cao từ 30 - 50m dày đặc, cành lá giao tán, ánh nắng mặt trời không thể lọt qua. Ở dưới tầng cao là nhiều tầng thực vật khác. Tầng thấp nhất, tầng thứ 3 gồm nhiều loài phát triển trong môi trường ẩm ướt như dây leo, phong lan, địa lan, tầm gửi, le, mây rừng và lá nhíp". Sau những hồi tưởng quá khứ, già làng Điểu Len trĩu buồn: "Bây giờ tê giác không còn, nhiều người vào rừng hái lại do áp lực phá rừng làm rẫy, dựng nhà nên lá nhíp không còn nhiều như trước". Già Bớt nuối tiếc: "Mỗi khi thèm cái canh đồng bào, tau vào rừng kiếm lá bép nhưng chẳng thấy gì. Lúc nào may thì được vài ba lá, chỉ đủ nấu chén canh húp không đã miệng". Hiện nay, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên thi thoảng vẫn nấu canh ống thụt - lá bép trong mỗi chuyến đi rừng. Có điều món canh đại ngàn ấy không được thuần khiết như ngày nào mà đậm hương vị của bột ngọt, bột nêm, bởi món "bột nêm" tự nhiên là lá bép không còn nhiều như trước. "Lâu lâu mới hái được mớ rau bép, bình thường mình nấu canh với các loại rau khác thôi" - Điểu Sim thổ lộ. Rời núi rừng Tây Nguyên, ngày về, tôi nhớ mãi lần gặp gỡ với già làng Điểu Bớt. Hướng mắt về ngọn núi Yumbra hùng vĩ, già chùn giọng: "Không có lá bép, chẳng ai muốn nấu cái canh ống thụt đâu. Vì nó không ngon mà". Rồi già mách: "Bây giờ hái được lá bép, đồng bào không ai dám ăn vì đem bán được tiền hơn. Đám con cháu chẳng mấy đứa biết cái món của cha ông. Già buồn lắm, tiếc lắm!". (Theo CAND)