Năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) kêu gọi toàn dân kháng chiến. Hịch Cần Vương đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào chống Pháp của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX. Hưởng ứng Hịch Cần Vương, ông Đinh Công Tráng sinh năm Nhâm Dần (1842), quê ở làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cùng các đồng chí đã chọn Ba Đình làm căn cứ kháng chiến lâu dài. ==>> Xem thêm Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: Suốt đời gắn bó với nông nghiệp Đinh Công Tráng là người thiết tha với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc. Ông không thể ngồi yên khi đất nước bị quân thù giày xéo. Đang làm chánh tổng, Đinh Công Tráng đã rời quê ra nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm. Khi Hoàng Kế Viêm phối hợp với quân cờ đen của Lương Vĩnh Phúc cầm cự với Henri Rivière, Đinh Công Tráng đã tham gia trận đánh ở Cầu Giấy. Nhờ đã được thử thách tôi luyện trong chiến đấu và có ý chí dũng cảm, tư chất thông minh nên ông đã trở thành một lãnh tụ - một vị tướng lừng danh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

Đinh Công Tráng: Lãnh tụ kiên cường của nghĩa quân Ba Đình

Căn cứ Ba Đình cách huyện lỵ Nga Sơn 4km tây bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Căn cứ này gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một cái đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia. Để chuẩn bị chiến đấu lâu dài, Đinh Công Tráng đã cho bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, cắm đầy chông tre. Ở trong là một lớp thành đất cao 3m, chân rộng 8 đến 10m. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm xếp vững chắc có những khe hở làm lỗ châu mai sẵn sàng chiến đấu. Thành rộng 400m, dài 1.200m. Đinh Công Tráng có một bộ tướng tài ba như Phạm Bành là vị quan chủ chiến quê ở làng Tương Xá (Hậu Lộc, Thanh Hóa) là người đứng thứ hai sau Đinh Công Tráng. Nghĩa quân của Đinh Công Tráng có lúc đông tới hai vạn người, đã đánh nhiều trận giành thắng lợi như trận đánh vào năm Nhâm Ngọ (1882) cướp được tới 50 khẩu súng. Có những trận điển hình như 12-3-1886 lợi dụng phiên chợ đã tấn công Tòa Công sứ Thanh Hóa. Và tiếp đó, nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Đến đầu năm 1887, đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân tinh nhuệ đánh Ba Đình luôn mấy ngày và vây hãm căn cứ. Chúng đã biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa nã tới 16.000 quả đại bác trong 1 ngày trời. Giặc Pháp đã bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 21-1-1887, chúng đã chiếm được Ba Đình sau đó là sự trả thù dã man, ba làng bị triệt hạ. Thành vỡ, Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An. Giặc treo đầu ông với giá cao, vì tham tiền tên Lý trưởng làng Chính An đã mật báo cho quân Pháp đến bắt Đinh Công Tráng. Địch vây chặt, trong đêm ông đã chiến đấu bắn chết vài tên, ông lao vào rừng và đã ngã xuống trước làn đạn tới tấp của quân thù. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình và lãnh tụ Đinh Công Tráng được lịch sử đánh giá rất cao. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Địa danh này gợi nhớ đến căn cứ kháng chiến lẫy lừng, đã từng khiến giặc Pháp khi nghe nhắc đã phải kinh hồn bạt vía. Ba Đình - Đinh Công Tráng, Đinh Công Tráng - Ba Đình đã là một địa danh, một danh tính bất hủ trong lịch sử nước nhà.